Khái niệm về gia công chính xác, đồ gá và chi tiết máy
1. Khái niệm chung về gia công chính xác.
Gia công cơ khí chính xác là quá trình gia công cơ khí tạo ra sản phẩm có độ chính xác gần như tuyệt đối so với bản vẽ thiết kế bằng việc sử dụng các hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại (máy cắt dây CNC, máy phay CNC, máy tiện CNC...) cùng với robot tốc độ cao, công suất cao và kỹ thuật chính xác để gia công cơ khí đạt độ chính xác cao.
Hiện nay, các sản phẩm gia công cơ khí chính xác được chế tạo bằng các hệ thống máy móc hiện đại có độ chính xác cao. Các trang bị công nghệ và máy móc chiếm tới 80% tỷ lệ làm ra sản phẩm theo đúng các yêu cầu mong muốn. Các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất hiện nay bao gồm
- NC :Numerical Control (điều khiển số)
- CNC :Computer Numerical Control (điều khiển số có sự trợ giúp của máy tính)
- CAD :Computer Aided Design (thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính)
- CAM :Computer Aided Manufacturing (gia công có sự hỗ trợ của máy tính)
2. Khái niệm chung về đồ gá
Đồ gá (Jig) được hiểu một cách cơ bản nhất là đồ để gá đặt. Nhằm mục đích định vị và kẹp chặt sản phẩm theo đúng vị trí chính xác mong muốn.
Đồ gá là một phần không thể thiếu trong quá trình gia công nói riêng và toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất nói chung. Đồ gá giúp đảm bảo tính lắp lẫn của sản phẩm, nâng cao mức độ cơ khí hoá và tự động hoá của quá trình sản xuất từ đó nang cao năng suất và chất lượng của từng sản phẩm.
Theo sách “Đồ gá” của GS.TS trần Văn Địch, đồ gá được định nghĩa là những trang bị phụ, dùng để xác định vị trí chính xác của các chi tiết rồi kẹp chúng lại. Đồ gá được chia làm 2 loại chính bao gồm
- Đồ gá gia công
- Đồ gá chuyên dùng
2.1 Đồ gá gia công (đồ gá vạn năng)
Là loại đồ gá thường được trang bị trên các loại máy công cụ gia công, nhằm xác định vị trí chính xác của phôi, đồng thời giữ chặt phôi trong quá trình gia công, cắt gọt.
Đồ gá gia công tạo điều mở rộng khả năng làm việc của máy công cụ, giảm thời gian phụ nhờ thao tác gá đặt nhanh gọn, có thể gá đặt nhiều sản phẩm cùng lúc. Từ đó giúp giảm chi phí khấu hao và hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo tính chủ động và dễ kiểm soát trong quá trình gia công. Thường là các trang bị công nghệ kèm theo máu công cụ như mâm cặp, e tô, mũi tâm...
2.2 Đồ gá chuyên dùng:
Đồ gá chuyên dùng là loại đồ gá được thiết kế riêng cho một loại máy công cụ hoặc chi tiết máy đặc thù nào đó. Đồ gá chuyên dùng được chia làm đồ gá lắp ráp và đồ gá kiểm tra
2.2.1 Đồ gá lắp ráp:
Đồ gá lắp ráp là loại đồ gá dùng để xác định vị trí, kẹp chặt chi tiết (hoặc sản phẩm) trong quá trình lắp ráp.
Cấu tạo của đồ gá lắp ráp gồm 4 phần chính
- Cơ cấu định vị: Phần tiếp xúc và định vị sản phẩm tại vị trí mong muốn
- Cơ cấu kẹp chặt: Dùng để cố định sản phẩm
- Cơ cấu phụ: Các cơ cấu hỗ trợ chức năng cho đồ gá theo yêu cầu của từng sản phẩm ( ví dụ: cơ cấu quay tròn, bánh răng – thanh răng, vít me…)
- Vỏ đồ gá: Các phần phụ của đồ gá để đảm bảo an toàn khi thao tác hoặc dễ dàng di chuyển vị trí sử dụng (vỏ hộp, lớp cách điện, chân cao su, chân tăng chỉnh, chân trượt…)
2.2.2 Đồ gá kiểm tra
Đồ gá kiểm tra là đồ gá nhằm đánh giá độ chính xác hoặc đánh giá chất lượng của sản phẩm trong và sau quá trình sản xuất.
Đồ gá kiểm tra cũng được chia làm 5 bộ phận chính
- Cơ cấu định vị: Dùng để định vị chính xác sản phẩm cần kiểm tra tại vị trí chỉ định
- Cơ cấu kẹp chặt: Cố định sản phẩm cần kiểm tra
- Cơ cấu đo: Bao gồm cơ cấu đo giới hạn (cữ cạp, dưỡng, calip…) và đo chỉ thị (đồng hồ, thước, thang chia vạch…) dùng để kiểm tra các thông số của sản phẩm theo các tiêu chí được yêu cầu.
- Cơ cấu phụ:Các cơ cấu hỗ trợ chức năng cho đồ gá theo yêu cầu của từng sản phẩm ( ví dụ: cơ cấu quay tròn, bánh răng – thanh răng, vít me…)
- Vỏ đồ gá: Các phần phụ của đồ gá để đảm bảo an toàn khi thao tác hoặc dễ dàng di chuyển vị trí sử dụng (vỏ hộp, lớp cách điện, chân cao su, chân tăng chỉnh, chân trượt…)
3. Khái niệm về chi tiết máy
Chi tiết máy là những phần tử có cấu tạo hoàn chỉnh, thực hiện một nhiệm vụ nhất định trong máy. Chúng có thể tháo rời được hoặc không thể tháo rời tùy vào các ghép nối của chi tiết.
Theo công dụng, chi tiết máy được chia làm hai nhóm như sau:
- Nhóm có công dụng chung: Bu lông, đai ốc, bánh răng, lò xo… được sử dụng trong nhiều loại máy khác nhau các chi tiết có công dụng chung
- Nhóm có công dụng riêng: Trục khuỷu, kim máy khâu, khung xe đạp. Dùng trong một loại máy nhất định, chi tiết có công dụng riêng.
Ngày nay hầu hết các chi tiết máy đều được tiêu chuẩn hóa nhằm đảm bảo tính đồng nhất và khả năng lắp lẫn cho nhau, thuận lợi cho việc sử dụng và chế tạo hàng loạt